1. Bánh mì kem trứng – Hà Nội
Là món ăn phổ biến tại Hà Nội, đặc biệt là trong những ngày trời se lạnh. Trứng đánh kem béo ngậy hòa quyện cùng bánh mì giòn rụm khiến bạn ăn một lần là nhớ mãi. Ngoài hương vị truyền thống, món này còn có những phiên bản sáng tạo khác khi bánh mì được chấm cùng kem trứng trà xanh, phô mai…
2. Bánh mì dân tổ - Hà Nội
Phục vụ cho những “chiếc bụng đói” lúc đêm muộn, bánh mì dân tổ Hà Nội tạo được sức hút với các tín đồ ẩm thực bởi vẻ ngoài ngoại cỡ. Ổ bánh mì “siêu to khổng lồ” này được lấp đầy các loại topping như trứng, lạp xưởng, pate, bò khô… Nhân bánh mì được xào trên một chiếc chảo lớn, nhiều người còn gọi món này với cái tên “bánh mì tả pí lù”.
3. Bánh mì Phượng – Hội An
Bánh mì Phượng là món bánh mì nổi tiếng nhất phố cổ Hội An. Điểm đặc biệt của bánh mì Phượng chính là vỏ bánh mì giòn rụm, kết hợp cùng nước sốt đặc biệt và rau. Tất kết hợp hài hòa tạo thành món bánh mì thơm ngon khó cưỡng. Được biết, bánh mì Phượng đã được nhượng quyền từ chủ quán ở Việt Nam, với mong muốn đưa bánh mì Phượng nói riêng và ẩm thực Việt nói chung đến nhiều nơi trên thế giới. Đây là cửa tiệm bánh mì Phượng đầu tiên được mở tại Hàn Quốc, nằm ở địa chỉ 241-30, Yeonnam-dong, quận Mapo, Seoul, Hàn Quốc.
4. Bánh mì chả cá Nha Trang
Bánh mì chả cá Nha Trang nổi tiếng với công thức chả cá làm từ nạc các loại cá đặc trưng thêm chút gia vị, thái sợi, rồi chiên vàng rụm thơm lừng, kẹp cùng bánh mì và rau dưa. Đặc biệt, bánh được thêm chút tương ớt kết hợp cùng ớt tươi làm dậy nên mùi thơm và át mùi tanh của cá. Vì bánh không thêm bơ, nên sẽ đỡ ngán hơn cho những bạn không thích vị béo.
5. Bánh mì xíu mại Đà Lạt
Bánh mì xíu mại đơn giản là một chén nước dùng trong veo với một ít váng mỡ cho cảm giác béo ngậy, vài cọng hành xanh bắt mắt. Đi kèm với miếng xíu mại làm từ thịt quết khéo có độ dẻo dai vừa đủ, nêm nêm nhẹ nhàng. Nước dùng được làm từ nước ninh xương heo hòa quyện với thịt nạc viên ngọt thanh, thêm một chút hành lá cho thêm phần hương sắc. Khi ăn bánh mì với xíu mại, người ta thường sẽ cho thêm một chút sa tế để thêm phần màu sắc và bùng nổ vị cay cay.
6. Bánh mì bột lọc – Huế
Loại bánh mì này thành hình từ món bánh bột lọc nổi tiếng xứ Huế. Thay vì ăn bánh bột lọc thông thường, người Huế đã biết cách cho những chiếc bánh bột lọc trần vào nhân bánh mì để ăn được no, chắc bụng. Linh hồn món này nằm ở nước mắm ớt cay, một gia vị không thể thiếu trong ẩm thực Huế.
7. Bánh mì chấm ca cao – Sài Gòn
Giữa dòng chảy của thời gian, rất nhiều món ăn ngon, sang trọng cho tới bình dân đều có ở Sài Gòn. Nhưng nhiều người vẫn thích đến quán bà Tám, nhâm nhi bánh mì chấm ca cao như một thói quen, như một bữa lót dạ đỡ đó. Món này rất đơn giản, bà Tám cho đá bào vào ly, cho thêm ca cao lỏng, dùng muỗng múc một phần ca cao đặc bỏ lên phía trên, sau đó cho thêm chút sữa đặc cho bớt đắng.
8. Bánh mì thịt nướng
Đây là một trong những loại bánh mì nổi tiếng nhất Sài Gòn, pha trộn hài hòa giữa ẩm thực Pháp và Việt. Một ổ bánh mì thịt nướng bao gồm thịt nướng vàng ươm thơm phức, kết hợp cùng với rau và đồ chua. Điểm độc đáo nhất của loại bánh mì Việt Nam này chính là nước tương được pha chế đặc biệt làm cho tất cả các nguyên liệu hòa quyện với nhau, tạo ra một hậu vị rất hài hòa bùng nổ ngay khi thưởng thức.
9. Bánh mì cay – Hải Phòng
Bánh mì cay Hải Phòng đã xuất hiện từ những năm 80, và hiện nay là món ngon nổi tiếng tên tuổi khắp phố phường Hải Phòng. Nó còn có tên gọi khác là bánh mì que. Bánh mang hình dạng đặc biệt, chỉ nhỉnh hơn đốt ngón tay và dài chừng hơn 1 gang tay. Bởi vì mang hình dáng nhỏ bé nên bánh chỉ có 1 loại nhân duy nhất từ pate. Và thứ quyết định, tạo nên tên gọi của món ăn này chính là thành phần gây "cay" từ một loại tương ớt đặc biệt của người Hải Phòng mang tên chí chương.
Tác giả: Long Phú Travel