“Santorini của Hàn Quốc” là cái tên đáng yêu mà người ta đặt cho làng văn hóa Gamcheon ở thành phố Busan. Có đứng ở một viewpoint trên cao, thả tầm nhìn khoáng đạt xuống bên dưới mới hiểu được vì sao ngôi làng này lại có cái tên như vậy. Hàng trăm ngôi nhà khối hộp thấp tầng đủ màu sắc lô xô trên khắp các triền đồi hướng ra phía biển, hệt như trò chơi xếp hình Lego.
Mặc dù vậy, Gamcheon chỉ là một ngôi làng nghèo chứ không phải chốn du lịch sang trọng như “người anh em” ở châu Âu. Nơi đây đã từng là khu ổ chuột của những người tị nạn trong chiến tranh Triều Tiên. Họ sống trong những căn nhà tạm bợ, tồi tàn, thiếu thốn điện nước và không đảm bảo vệ sinh. Sau đó, các dự án nghệ thuật đã khoác lên Gamcheon một diện mạo mới, cứu ngôi làng khỏi bờ vực bị phá bỏ và biến nơi này trở thành điểm tham quan hút khách du lịch Hàn Quốc.Giờ đây, hàng dài du khách du lịch Hàn Quốc vẫn đổ về Gamcheon mỗi ngày để khám phá những bí mật thú vị ẩn trong các con hẻm nhỏ. Đó là những bức bích họa ngộ nghĩnh bất chợt hiện ra ở một khúc quanh nào đó: mấy chú mèo tinh nghịch nô đùa bên bậu cửa sổ, hai chú thằn lằn bò trên cầu thang dẫn lên dốc hay đàn cá tung tăng “bơi lội” trên bức tường đá. Đó cũng có thể là những tác phẩm nghệ thuật sắp đặt miêu tả cuộc sống thường ngày của dân làng và ước vọng ấm no của họ. Niềm vui thích còn là khi bạn tách khỏi đám đông ồn ào, nhâm nhi tách cafe trong góc quán nhỏ xinh và tưởng như mình đang ở nơi chốn tận cùng thế giới.
“Chạy trốn” khỏi Seoul náo nhiệt, tôi đón chuyến xe bus đến ngôi làng cổ Jeonju nằm giữa lòng thành phố cùng tên và ở đây, tôi thấy một Hàn Quốc rất khác. Đó là Jeonju – giấc mơ êm đềm. Xa lạ hoàn toàn với những đường nét bê tông hiện đại, bảy trăm ngôi nhà truyền thống (gọi là hanok) sẽ gợi cho bạn hình dung về nếp sinh hoạt khi xưa của người Hàn.
Hanok được xây dựng từ gỗ, đất, đá và các vật liệu tự nhiên. Mái nhà lát gạch Giwa màu đen xám đặc trưng, thể hiện thứ bậc và giai tầng xã hội sở hữu. Cạnh cong của mái nhà (Cheoma) còn có thể điều chỉnh độ dài để kiểm soát lượng ánh sáng mặt trời vào nhà. Kết cấu dầm hoàn toàn bằng gỗ và ghép khớp với nhau mà không cần dùng một chiếc đinh nào cả. Giấy hanji, một loại giấy truyền thống của Hàn Quốc, tẩm dầu đậu được dán lên các khung cửa, có tác dụng chống thấm nước và thoáng khí.
Ngôi làng cổ tựa như một viên bảo ngọc Jeonju mang trong mình, nơi mà guồng quay của nhịp sống hiện đại vẫn chưa thể chạm tới. Thật thú vị khi thấy những người Hàn thường ngày vẫn hối hả trên những chuyến tàu điện giờ đây dạo bước thảnh thơi giữa những ngôi nhà cổ kính và hít thở bầu không khí thấm đẫm trầm mặc.
Du lịch Hàn Quốc, đến Hanok Jeonju có lẽ tôi chẳng cần đến một tấm bản đồ bởi bước chân trên con đường lát đá sẽ đưa đẩy tôi đến những góc nhìn thú vị về ngôi làng. Tôi yêu Jeonju trong màn sương se lạnh buổi sớm, trong ánh đèn vàng ngái ngủ lúc đêm muộn, hay khi ánh hoàng hôn từ bên kia dải đồi dịu dàng choàng lên những mái nhà bên dưới.
Và tôi sẽ còn nhớ mãi giấc ngủ êm đềm trong căn nhà gỗ nhỏ. Không gian trong phòng chỉ đủ để đặt hai, ba bộ chăn nệm, chiếc tủ gỗ bệt cùng vài vật dụng đơn giản. Cửa sổ và cửa ra vào đều bằng gỗ kiểu kéo rãnh với chốt thủ công hình tròn bằng đồng đen. Đẩy cánh cửa bước ra là có thể bắt gặp khoảng sân vườn yên tĩnh xanh mướt cỏ cây. Các phương tiện giải trí hiện đại được giữ ở mức tối thiểu để “những vị khách dành nhiều thời gian hơn cho việc nghỉ ngơi, tĩnh tâm và trò chuyện”, bác chủ nhà giải thích.
Tác giả: Long Phú Travel