RỰC RỠ ĐÈN LỒNG ĐÓN TRUNG THU “MÙA COVID” TẠI NHÀ BÊN NHỮNG NGƯỜI THƯƠNG YÊU

RỰC RỠ ĐÈN LỒNG ĐÓN TRUNG THU “MÙA COVID” TẠI NHÀ BÊN NHỮNG NGƯỜI THƯƠNG YÊU

RỰC RỠ ĐÈN LỒNG ĐÓN TRUNG THU “MÙA COVID” TẠI NHÀ BÊN NHỮNG NGƯỜI THƯƠNG YÊU

Tết Trung thu – Tết của sự đoàn viên khi các em nhỏ được tung tăng chơi đùa với những chiếc lồng đèn rực rỡ sắc màu bên tiếng trống lân rộn ràng, vui nhộn. Và với người trẻ, Trung thu còn là dịp để sum vầy, quây quần bên gia đình, bạn bè cùng những người thương yêu.

Thế nhưng, mùa trăng năm nay có lẽ vẫn chưa thể là Tết Đoàn viên với nhiều người. Thay vì những cuộc họp mặt náo nức, vui vẻ chúng ta phải tạm xa nhau vì những quy định về giãn cách xã hội ở mỗi địa phương. Tuy nhiên, họ vẫn luôn dành cho nhau sự quan tâm ngọt ngào tựa như chính mùi vị của chiếc bánh Trung thu với niềm tin và hy vọng dịch bệnh đến một ngày sẽ qua đi.

Và dù là trong hoàn cảnh nào, ta cũng chỉ mong đó là sự bình an bên gia đình và những người thân yêu. Hãy tạm quên đi những nhọc nhằn, khó khăn thời gian qua để cùng nhau tạo nên một mùa Trung thu thật khác biệt và tràn đầy ý nghĩa. Dưới đây là những hoạt động vui chơi Trung thu tại nhà, bạn và gia đình có thể tham khảo thử nhé:

1. Treo đèn ông sao, đèn lồng, đèn nháy
Những chiếc đèn ông sao, đèn lồng sắc màu rực rỡ chính là món đồ chơi vô cùng quen thuộc của các em nhỏ trong dịp Tết Trung thu hàng năm. Với kích thước đa dạng, màu sắc rực rỡ và lấp lánh, những chiếc đèn ông sao, đèn lồng có thể được tận dụng để trang trí trên tường, cửa sổ, trên tủ tivi, kệ sách, cầu thang, ... giúp căn phòng trở nên lung linh trong dịp Trung thu này. Ngoài ra, bạn có thể trang trí thêm đèn nháy cho căn phòng vào buổi tối Trung thu thêm lung linh hơn. 

Nếu không có sẵn đèn ông sao, đèn lồng trong nhà để trang trí hoặc không thể đặt mua các vật dụng này trong thời điểm dịch bệnh, sao bạn không thể cùng bé thử cách tự làm qua hướng dẫn dưới đây:

- Cách làm đèn ông sao: Đầu tiên, bạn chuẩn bị 10 thanh tre vót dẹt, dài khoảng 50cm, 5 thanh tre dẹt dài 8cm, hồ dán, giấy kiếng màu, kéo, kìm và dây kẽm mỏng. Tiếp theo, bạn nối 10 thanh tre dài thành hình ông sao 5 cánh, cố định các đầu nối bằng dây kẽm. Sau đó, bạn chồng 2 hình ngôi sao rồi tiếp tục cố định 5 đầu nhọn của 2 ngôi bằng dây kẽm, dùng đoạn tre ngắn chống vào các điểm giao nhau tạo thành hình ngũ giác ở giữa 2 ngôi sao để tạo khung sườn hoàn chỉnh cho lồng đèn. Cuối cùng, bạn cắt và dán giấy kiếng lên phần cánh tam giác của lồng đèn và thực hiện lần lượt các khung cho đến khi hoàn chỉnh.

- Cách làm đèn lồng bằng giấy: Đầu tiên, bạn gấp đôi tờ giấy theo chiều dọc và chiều ngang để lấy trung điểm mỗi cạnh. Sau đó, dùng bút thước để đo và nối các đỉnh lại với nhau tạo thành hình kim cương. Từ vị trí điểm đầu tiên, bạn đo các khoảng lần lượt là 2,3cm, 5,4cm, 8,3cm và từ các điểm đó kẻ đoạn thẳng lên, xoay ngược tờ giấy và thực hiện các thao tác tương tự. Sau đó, bạn dùng kéo cắt hình kim cương cùng các đoạn nhỏ ra, rồi gấp đôi hình lại và nối chúng bằng phần đầu của những đường kẻ đã cắt. Cuối cùng, bạn cho ống tròn được cắt từ tờ giấy cứng vào giữa để cố định hình dáng lồng đèn.

2. Trang trí hình cắt dán, bong bóng, cờ, đồ handmade
Ngày Tết Trung thu thường gợi lên các hình ảnh chú Cuội, chị Hằng, trăng tròn, các em nhỏ rước đèn, cây đa, ... Do đó, bạn có thể sử dụng hình cắt dán tự vẽ hoặc in để trang trí cho tường nhà của mình vào ngày Trung thu. Cách trang trí này sẽ giúp căn nhà có không khí Trung thu và làm các bé trở nên hào hứng hơn. Ngoài những hình dán, bong bóng kèm theo các lá cờ nhiều màu sắc cũng tạo ra hiệu ứng.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc mua sắm hiện khó khăn hơn rất nhiều. Vì vậy, bạn có thể tận dụng đồ có sẵn trong nhà như: giấy vở, bút màu của con, chai nhựa, cơm, keo hai mặt, ... để tự làm các hình dán ngộ nghĩnh, đồ handmade để trang trí cho ngày Tết Trung thu này.


3. Thêm đồ chơi Trung thu như trống, mặt nạ, đầu lân
Trống, mặt nạ và đầu lân cũng có thể được tận dụng để trang trí Trung thu tại gia. Những chiếc mặt nạ hình dạng của các nhân vật trong truyện cổ tích và văn học dân gian Việt Nam như: ông Địa, chú Cuội, chị Hằng, ... có thể được trang trí trên tường hay khung cửa sổ tạo không gian đậm chất truyền thống. Ngoài ra, mỗi hình dạng mặt nạ sẽ mang một câu chuyện cổ tích khác nhau, bạn có thể thông qua đó kể cho các bé nghe. Cùng các thành viên trong gia đình “rước đèn tại gia” vui hát vang bài “Chiếc đèn ông sao” trong đêm Rằm Trung thu.

Mọi năm, các bé rất thích thú khi được xem các màn múa lân đặc sắc trong đêm hội trăng rằm. Song, với tình hình dịch bệnh như hiện tại, các màn trình diễn sẽ không thể diễn ra. Tuy vậy, bạn vẫn có thể để hình ảnh chú lân đỏ “xuất hiện” trong nhà của mình qua vật trang trí mô phỏng đầu lân có kích thước nhỏ hơn, dùng để trang trí ở những vị trí chính yếu, làm nổi bật không gian Trung thu tại nhà trong thời điểm đặc biệt này.

4. Làm bánh Trung thu tại nhà

Nhắc tới việc làm bánh trung thu tại nhà, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến việc nướng bánh bằng lò nướng. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể làm bánh trung thu không cần lò nướng với những thiết bị khác như nồi cơm điện, lò vi sóng, …Vừa tiện dụng lại tiết kiệm hơn rất nhiều.


Để làm bánh Trung thu không cần lò nướng, trước hết bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu sau đây:
Nguyên liệu làm vỏ bánh: 
- 1 gói bột làm bánh trung thu nướng
- 300ml nước đường làm bánh nướng
- 50ml dầu dừa hoặc dầu ăn
- 1 quả trứng gà
- ½ thìa rượu mai quế lộ hoặc ngũ vị hương

Nguyên liệu làm nhân bánh: 
250gr đậu xanh
- 100gr đường
- 15 gram bột làm bánh dẻo
- 50ml nước cốt dừa


Làm vỏ bánh trung thu không cần lò nướng
Để có 1 vỏ bánh trung thu thơm ngon, vàng ươm, bạn cần chuẩn bị phần nước đường thật kỹ. Bởi nước đường sẽ quyết định mùi vị và màu sắc của phần vỏ bánh khi nướng. Nước đường để càng lâu thì khi nướng bánh lên màu càng đẹp.
- Cách pha chế nước đường làm vỏ bánh 
+ Cắt khoản ½ trái chanh vắt lấy nước cốt bỏ hạt
+ Cho khoảng 300g đường nâu và nước vào nồi
+ Bật bếp đun cho đến khi đường tan hết. Sau đó cho phần nước cốt chanh vào đun cho đến khi phần nước đường sánh đặc lại có màu nâu bóng là hoàn tất

Sau khi chuẩn bị phần nước đường xong bạn nên để nguội và bảo quản 1 thời gian để khi làm vỏ bánh sẽ được ngon hơn.
- Cách trộn vỏ bánh
+ Hòa 300ml nước đường, lòng đỏ trứng gà, dầu ăn, rượu mai quế lộ trong một chiếc bát to. 
+ Rây từ từ bột làm bánh nướng vào hỗn hợp này. Nhào bột thật kỹ cho đến khi được một khối bột quyện đều với nhau, mịn và không dính tay là được

Làm nhân bánh trung thu
Ngâm đậu xanh trong nước từ 2 - 3 tiếng để đậu xanh mềm. 
- Cho đậu xanh vào nồi, đổ nước ngập đậu, thả vào 1 chút muối rồi đun cho đến khi nước cạn, để riêu lửa cho đến khi đậu xanh chín nhừ.
- Nhân lúc đậu xanh còn nóng, nhanh tay nghiền thật nhuyễn. Hoặc bạn có thể cho đậu xanh vào máy xay sinh tố để xay để tiết kiệm thời gian hơn
- Trộn đều hỗn hợp đậu xanh với đường, nước cốt dừa, bột làm bánh dẻo và dầu ăn rồi cho lên bếp sên với lửa nhỏ. Sên cho đến khi hơi nước bay đi hết và tạo thành một khối nhân quánh, dẻo, mịn, ngấm dầu ăn.

Lưu ý: Khi sên phần nhân bánh bạn không nên để lửa quá lớn sẽ rất dễ làm khét nhân bánh.

Nặn bánh
Trước hết bạn nên chia nhân bánh và bột vỏ thành các viên tròn bằng nhau sao cho phần nhân bánh có trọng lượng bằng ½ phần vỏ bánh. Khi đó, những chiếc bánh trung thu của bạn làm ra sẽ đều và đẹp hơn rất nhiều.
- Ấn dẹt phần vỏ bánh và đặt nhân đậu xanh vào giữa, sau đó nhẹ nhàng gói kín lại sao cho phần nhân bánh không bị hở.
- Rắc một ít bột vào khuôn rồi cho bánh vào để tạo hình, gõ nhẹ để bánh rời ra và đem bánh đi nướng.

Còn gì tuyệt vời hơn khi đón Tết Trung thu “mùa giãn cách” tại nhà nhưng vẫn đầy đủ các hoạt động “phá cổ, rước đèn” quây quần cùng nhau nhâm nhi chiếc bánh Trung thu bên ly trà nóng.

Hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp cho gia đình bạn đón một mùa Tết đoàn viên thật ấm áp và hạnh phúc !

Tác giả: Long Phú Travel
 Tags
Đăng ký nhận tin
Đăng ký nhận tin
ĐĂNG KÝ NHẬN THÔNG TIN KHUYẾN MÃI
ĐĂNG KÝ NHẬN THÔNG TIN KHUYẾN MÃI
Đăng ký
Copyright © 2020 longphutourist.com
server-notice